Sự ra đời Khu_phi_quân_sự_vĩ_tuyến_17

Sau Thế Chiến thứ Hai, người Pháp nỗ lực tái xâm lược thuộc địa cũ của mình tại Đông Dương. Tuy nhiên, họ gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của những người theo chủ nghĩa dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và những người cộng sự của ông. Cuộc chiến tranh kéo dài trong 9 năm và kết thúc với ưu thế nghiêng hẳn về những người Cộng sản Việt Nam, buộc người Pháp phải tìm giải pháp ngoại giao bằng Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954, một giải pháp bất đắc dĩ để họ rút chân khỏi vũng lầy Đông Dương.

Trong quá trình thương thuyết, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hiểu rằng họ cần tranh thủ quá trình đàm phán để đạt được sự có lợi mà không phải đổ máu. Đầu tiên, họ muốn tập kết tại chỗ do đang nắm lợi thế về dân số và diện tích kiểm soát (trên 80% lãnh thổ). Sau đó, do biết Pháp không chấp nhận đề xuất này nên họ chuyển sang chấp nhận giới tuyến quân sự tạm thời. Họ mong muốn khu vực giới tuyến quân sự tạm thời để tập kết lực lượng hai bên nằm dời sâu về phía Nam. Ban đầu, họ định đề xuất vĩ tuyến 13, tức phía Bắc Phú Yên hoặc vĩ tuyến 14 (Bình Định) là căn cứ theo quyền kiểm soát của họ đối với vùng rừng núi rộng lớn. Tuy nhiên, đề xuất này bị phía Pháp bác bỏ, với lý do tuy những vùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát có diện tích rộng lớn, nhưng lại có rất ít dân (trên thực tế hơn 90% dân chúng Việt Nam sống ở nông thôn, nơi Việt Minh nắm quyền kiểm soát), trong khi quân đội Pháp kiểm soát toàn bộ các thành phố lớn, các trục đường quan trọng ở đồng bằng và khu ven biển. Theo Pháp, vĩ tuyến 19, phía Bắc Vinh, Nghệ An, sẽ là thích hợp hơn. Lúc này, Việt Minh muốn kiểm soát cả Huế, Đà Nẵng và Tây Nguyên, những địa bàn có tính chiến lược và biểu tượng.

Trước sự cứng rắn không khoan nhượng của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 24 tháng 6 năm 1954, phía Pháp đưa ra đề nghị ở vĩ tuyến 18 (phía bắc Đồng Hới - Quảng Bình), với lý do họ cần đường thông thương qua Lào, tức quốc lộ 9. Phía Việt Minh vẫn không nhượng bộ. Hội nghị bế tắc trong 18 ngày.

Hội nghị chỉ tiếp tục khai thông khi đồng minh Trung Quốc tạo sức ép để đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra đề xuất chọn vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng), vị trí mà vào năm 1945, các nước Đồng Minh đã vạch ra nhằm phân chia khu vực giải giới quân Nhật ở Đông Dương, kèm theo lời cam kết về Tổng tuyển cử trong thời gian 6 tháng. Một lần nữa, phía Pháp bác bỏ đề xuất này và đưa ra đề xuất của mình là ở khu vực vĩ tuyến 18 và chỉ chấp nhận Tổng tuyển cử về mặt nguyên tắc với những điều khoản mơ hồ.

Mãi đến ngày 20 tháng 7 năm 1954, cả phía Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thông qua đề nghị của phía Liên Xô chọn vĩ tuyến 17 và ấn định thời gian Tổng tuyển cử trong vòng 2 năm. Ngày hôm sau, thứ Tư, ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp ước Genève được ký kết. Theo đó, Việt Nam bị chia làm 2 vùng tập kết quân sự; ranh giới là vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) không được coi là biên giới quốc gia hay chính trị. Một khu phi quân sự, rộng không quá 5 cây số dài theo hai bên bờ sông Bến Hải, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14 tháng 8 năm 1954.

Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuy không thỏa mãn vì cho rằng họ xứng đáng kiểm soát một khu vực rộng lớn hơn nhiều và thời cơ để nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, trước sức ép từ đồng minh, họ đành chấp nhận giải pháp dung hòa "vĩ tuyến 17" kèm theo lời hứa hẹn sẽ tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất sau 2 năm. Dù đã lường trước điều này, nhưng họ không thể ngờ đó lại chính là cuộc chia cắt những 20 năm, cùng với một cuộc chiến tranh khốc liệt chưa từng có.